Không giống những quốc gia ở khu vực Đông Á, Đông Nam Á, Nhật Bản lại đón tết cổ truyền theo lịch phương tây. Vậy tại sao người Nhật lại ăn tết theo dương lịch? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu lý do qua bài viết ngày hôm nay.
Dù đón tết vào ngày 1 tháng 1 dương lịch, Nhật Bản ngày nay vẫn nổi tiếng là quốc gia chú trọng gìn giữ và phát huy những nét đẹp của bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó phải kể đến bản sắc độc đáo của văn hóa Tết…
* Nhật Bản cũng từng đón tết theo lịch âm
Từ năm 1844 đến ngày 31 tháng 12 năm 1872 (năm Minh Trị thứ 5) người Nhật đón Tết theo lịch Thiên Bảo (天保暦, Tempo reki), đến năm Minh Trị thứ 6, ngày tết của Nhật Bản chính thức được chuyển thành ngày 1 tháng 1 theo dương lịch.
Như vậy, cho đến thời điểm trước năm 1873, người Nhật vẫn đón Tết Âm Lịch như người Việt Nam chúng ta.
* Tại sao người Nhật lại phải ăn tết dương lịch?
Nhờ việc thay đổi lịch này mà chính phủ đã tiết kiệm được tiền trả lương tháng 13 cho công chức (vì nếu tính theo lịch cũ thì năm Minh Trị thứ 6 có tháng 6 là tháng nhuận) và giảm bớt ngày nghỉ, tăng sản lượng quốc gia.
Thật ra, lý do chính muốn dùng lịch phương Tây là vì giới lãnh đạo Nhật đương thời muốn thoát khỏi vòng ảnh hưởng văn hóa của Trung Quốc, vì nhận thấy rằng văn minh phương Tây đã phát triển hơn Châu Á về nhiều mặt.
Từ khi nhìn thấy những chiếc Tàu Đen (Black Ships, 黒船, kurofune) của hải quân Mỹ lúc ghé vào cảng Uraga (14/7/1853), Nhật đã muốn sớm tách ra khỏi hàng ngũ các nước châu Á hòng đuổi kịp và đứng vào hàng ngũ các nước văn minh phương Tây.
* Người Nhật đang muốn khôi phục lại tết cổ truyền?
Trong một lần trả lời báo giới Việt Nam, Công sứ Nhật Bản – Hideo Suzuki từng chia sẻ, vào thời kỳ công nghiệp hóa dưới thời Minh Trị, việc chuyển từ ăn Tết Nguyên Đán cổ truyền sang Tết Tây là rất cần thiết. Còn ngày nay, đang có một luồng dư luận tại Nhật cho rằng nên khôi phục Tết Nguyên đán cổ truyền.
Bởi theo dương lịch, ngày 1/1 hằng năm sẽ bắt đầu mùa xuân, nhưng trên thực tế, thời tiết tại Nhật vô cùng lạnh giá trong tháng 1. Vì vậy, rất khó cho mọi người cảm nhận một mùa xuân mới đang về.
Còn nếu theo Âm Lịch cổ truyền, mùa xuân sẽ đúng hẹn hơn, vì ngày đầu của mùa xuân thường rơi vào tháng 2. Khi đó, hoa mận đã nở khắp nơi và khoảng 1 tháng sau (tháng 3 dương lịch), sắc xuân sẽ tràn ngập tại Nhật Bản với hoa anh đào nở.
Ngày nay, đa phần người dân Nhật Bản đã không còn đón Tết cổ truyền. Nhưng ở một số vùng như đảo Kago, Okinawa, Amami người dân vẫn duy trì phong tục đón Tết theo lịch âm.
Những người hoài cổ vẫn nhớ về ngày Tết cổ truyền. Theo lịch dương, ngày 1/1 hàng năm sẽ bắt đầu mùa xuân, nhưng không ít người từng đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta lại đón mùa xuân vào thời điểm lạnh giá nhất của mùa đông?”
Hy vọng qua bài viết này bạn đã trả lời được câu hỏi: “Tại sao người Nhật lại ăn tết theo dương lịch?” Có một thực tế là hàng năm Việt Nam vẫn có đề xuất nên học tập Nhật Bản gộp 2 cái tết lại làm 1. Tuy vậy, Nhật Bản trước đây và Việt Nam bây giờ, mỗi nước lại có một vấn đề khác nhau. Dù quyết định như thế nào vẫn nên cân nhắc kỹ lưỡng.