Nếu bạn say mê văn hóa Nhật chắc chắn có nghe qua nghệ thuật xếp giấy Origami. Chỉ với 1 tờ giấy vô tri vô giác, người Nhật đã có thể thổi hồn vào chúng với vô vàn hình dạng, sắc thái khác nhau.
* Vài nét về nghệ thuật xếp giấy Origami
Chữ Origami trong tiếng Nhật bắt nguồn từ hai chữ: ori là gấp hay xếp và kami là giấy. Origami chỉ được dùng từ năm 1880; trước đó, người Nhật dùng chữ Orikata.
Origami kết hợp những cách gấp đơn giản để biến miếng giấy hình chữ nhật (2 chiều), mà thường là hình vuông, thành những hình phức tạp (3 chiều), không cắt dán trong quá trình gập, đây cũng là xu hướng của Origami hiện đại. Không giống như người ta thường nghĩ, các qui tắc Origami truyền thống của Nhật Bản (bắt đầu từ khoảng triều Edo 1603-1867), lại ít nghiêm ngặt hơn Origami hiện đại: giấy gấp có thể là hình tròn, tam giác, và có thể cắt dán trong quá trình gấp.
Origami kể từ khi xuất hiện đã trở thành một trò giải trí truyền thống của người dân Nhật Bản và dần phổ biến trên thế giới. Chỉ bằng một tờ giấy vuông nhỏ là ta có thể gấp thành nhiều hình dạng khác nhau như những con thú dễ thương hay những cây hoa xinh đẹp. Do vật liệu của môn này khá đơn giản nên nó dễ dàng được yêu thích ở bất cứ nơi đâu. Rất nhiều người dân Nhật Bản yêu thích trò chơi này ở nhà cũng như ở trường học. Hình Origami được biết đến nhiều nhất là hình mà các đứa trẻ đã được cha mẹ hoặc ông bà chúng dạy cho, đó là con hạc (con cò, sếu). Những hình khác gồm có hoa, bướm, cua, và thậm chí những hình dạng khó như là cây thông Giáng Sinh. Origami đặc biệt được các bé gái yêu thích.
* Tác dụng của Origami
Gấp giấy Origami không đơn thuần chỉ là giải trí, làm đồ trang trí thông thường. Một trong số nguyên nhân giúp nghệ thuật gấp giấy Origami trở thành biểu tượng văn hóa Nhật Bản là bởi gấp giấy Origami còn có tác dụng như một liệu pháp tâm lý, giúp trấn an tinh thần, mang lại niềm vui và cảm hứng cho con người khi hoàn thành một tác phẩm.
Ngoài ra, việc tạo ra một mẫu Origami sẽ phải áp dụng rất nhiều quy tắc hình học. Ở một vài nơi trên thế giới còn áp dụng dậy Origami trong các tiết học mỹ thuật, hình ảnh trực quan. Đặc biệt là ở các lớp mẫu giáo và cấp 1, học Origami giúp trẻ tư duy hình ảnh, hình học trực quan, trừu tượng, không gian, các khối 3 chiều, các hình tam giác, hình vuông…. rất có lợi cho sự phát triển tư duy của trẻ.
Dù chỉ là 1 tờ giấy mong manh nhưng bàn tay và khối óc khéo léo của con người đã biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật thực thụ. Chính vì những giá trị tuyệt vời đó mà nghệ thuật xếp giấy Origami đã vượt ra khỏi biên giới Nhật Bản, được biết đến và yêu thích tại nhiều nước trên thế giới.